Không chỉ đóng cửa kiểm điểm
"Phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ" đó là thông điệp, là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng ta.

Hiện nay toàn Đảng đang tiến hành triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Đây thực sự là luồng sinh mới tạo đà cho sự đồng thuận trong toàn Đảng toàn dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Bộ chính trị, Ban bí thư vừa qua đã tiến hành kiểm điểm từ đó rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp sau. Giai đoạn tiếp theo là các bộ, ngành, tỉnh thành. Có thể nói đây là cấp cực kỳ quan trọng. Cấp mà đa số các ủy viên Trung ương đảm nhận vai trò chủ chốt, là rường cột của quốc gia. Xã hội có tạo được sự đồng thuận, chuyển biến tốt hay không phụ thuộc vào sự triển khai nghiêm túc, nghiêm minh ở cấp này.

Trong bài phát biểu với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tính chất quyết liệt cũng như yêu cầu của cuộc vận động. Tổng bí thư cho rằng "Không chỉ đóng cửa kiểm điểm, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm. Thậm chí phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ".

Chúng ta có nhiều bài học về sự kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm từ đó đem lại niềm tin cho quần chúng, tạo nên sức mạnh đồng thuận. Vụ Thủy cung Thăng Long, vụ đường dây 500 kv, vụ án Năm Cam hay vụ Lã Thị Kim Oanh...Đảng ta đã làm kiên quyết, một số cán bộ chủ chốt đã bị xử lý.

Trong những người bị xử lý có người dám nhận trách nhiệm và xin từ chức. Đó chính là nếp sống văn hóa, dám chịu trách nhiệm khi mình phạm khuyết điểm sai lầm cũng như dám nhận trách nhiệm mà người khác dưới quyền làm sai.

Ảnh minh họa: Biểu quyết tại ĐH đảng bộ quận Tây Hồ, Hà Nội

Trong lịch sử phát triển của mình, Đảng (ta) đã xử lý rất nghiêm cán bộ sai phạm nguyên tắc tổ chức đảng cũng như những người chịu trách nhiệm phụ trách các công việc chính quyền được Đảng giao trọng trách nhưng đã làm sai gây hậu quả nghiêm trọng, không kể người đó giữ chức vụ gì. Qua những lần xử lý như vậy, nội bộ càng thêm đoàn kết, sức chiến đấu trong Đảng được tăng cường, uy tín của Đảng được nâng cao.

Trở lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết 4, ông Nguyễn Đình Hương nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương có lý khi cho rằng kết quả của cuộc vận động không phải là những báo cáo hay mà phải chỉ ra được thiếu sót khuyết điểm và ai là người chịu trách nhiệm? Một cuộc vận động chỉnh đốn Đảng được cho là thành công khi những yếu kém được loại bỏ, khi những nhân tố tích cực được phát huy và sự đoàn kết, sức chiến đấu trong Đảng được tăng lên.

Lấy thực tiễn để soi rọi, đánh giá

Khi nói về những yếu kém, khuyết điểm trong Đảng, Nghị quyết chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Những yếu kém như trên chính là sự tổng kết từ thực tiễn, nghĩa là thực tế đã có, đã xẩy ra, xã hội đã gánh chịu hậu quả. Lần kiểm điểm này quần chúng đặt nhiều hy vọng, chắc chắn một bộ phận không nhỏ ấy sẽ được chỉ tên, nêu ra, những cá nhân nào có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, sự công bằng trong Đảng được thực hiện.

Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc sai phạm đã được phanh phui, công cuộc chống tham nhũng tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều cá nhân vi phạm đã bị xử lý...song dư luận vẫn còn băn khoăn cho rằng "vẫn còn nhẹ trên nặng dưới", mới chỉ những người, những cấp tham gia trực tiếp.

Ở nước ngoài, một chiếc máy bay gặp tai nạn, một chuyến tàu đâm nhau nhất định người đứng đầu ngành đó, cấp đó phải chịu trách nhiệm. Họ không chỉ xin rút kinh nghiệm, xin nhận khuyết điểm chung chung để làm dịu dư luận mà dám xin từ chức.

Dư luận cũng như báo chí vừa qua đã nêu cụ thể nhiều sự việc ở các tỉnh thành của cả nước. Rất lạ là có những vụ việc kéo dài nhiều tháng thậm chí vài năm nhưng địa phương không hề biết hay biết mà không hề vào cuộc. Những chuyện như để người Trung Quốc vào tận vịnh Cam Ranh hay Vũng Rô nuôi cá địa phương cứ làm ngơ, đến nỗi họ đã kịp lấy vợ sinh con đẻ cái cũng không hay. Chuyện thương lái Tàu vào mua cua, mua khoai lang, mua dứa, làm náo loạn cả thị trường. Có nơi còn cho thuê cả rừng đầu nguồn, rừng biên giới...

Quản lý một đơn vị, một địa phương mà đơn vị đó nhiều sai phạm yếu kém thì những người đứng đầu có còn xứng đáng? Chúng ta hãy xuất phát từ thực tiễn lấy thực tiễn ra để soi rọi đánh giá sự hoàn thành của một cá nhân hay một tập thể.

Một tỉnh mà mình lãnh đạo còn để dân đói kém, chưa phát triển theo kịp với các tỉnh bạn, với tốc độ chung của cả nước, nhiều lần Thủ tướng phải phê bình về tai nạn giao thông, tốc độ phát triển chậm chạp, thiếu dân chủ, dân khiếu kiện kéo dài, xử lý công việc chậm chạp, nội bộ mất đoàn kết...liệu tập thể Thường vụ ấy đã hoàn thành nhiệm vụ?

Ở các bộ ngành cũng vậy, việc quản lý nhà nước thông qua các chỉ thị, những qui định...thế mà có Bộ, ngành ban hành nghị định chỉ thị có thể nói chưa thực thi đã lạc hậu hay chưa triển khai đã phải hủy bỏ. Rồi nhiệm vụ mà Bộ ngành mình phụ trách còn để xẩy ra nhiều vụ việc sai phạm, có vụ thất thoát lớn do quản lý lỏng lẻo mà thời gian vừa qua dư luận đã chỉ ra thì chưa thể nói là hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng ta thường nói lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo thì chính những yếu kém đó là thước đo cho sự hoàn thành nhiệm vụ. Hãy lấy thực tế công việc để soi rọi đánh giá, đó chính là sự tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn để xem xét.

Hy vọng qua đợt triển khai này những yếu kém, khuyết điểm sẽ dần được loại bỏ. Công khai minh bạch trong Đảng đồng nghĩa với sự rõ ràng trong đánh giá, những khuyết điểm sẽ phải được chỉ tên, những cá nhân sai phạm cần có địa chỉ và phải sửa chữa khắc phục, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ đó chính là sự chọn lọc, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

                                                                                     Nguồn:vietnamnet